DU LỊCH ĐÀ LẠT ĐANG THIẾU GÌ ?

Tuesday, December 2, 2008

Đà Lạt từ lâu là một địa điểm du lịch quen thuộc, một xứ sở ngàn hoa với không khí trong lành dễ chịu cùng nhiều cảnh đẹp thiên nhiên kỳ vĩ. Du khách thường đến đây để tìm cho mình không gian yên tĩnh, để thư giãn và tạm lánh xa nhịp sống hối hả thị thành. Đà Lạt sẽ luôn là một lựa chọn hàng đầu đối với du khách nếu biết giữ gìn và phát huy những thế mạnh vốn có. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây tình hình có vẻ đang diễn ra theo hướng ngược lại…. Mời các bạn tham khảo cảm nhận dưới đây để xem mình có thể đồng cảm không nhé !


Đà Lạt có còn "mộng mơ" ?!


DU LỊCH ĐÀ LẠT ĐANG THIẾU GÌ ?

Gần đây, lượng du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng ở Đà Lạt có chiều hướng giảm. Lý giải nguyên nhân, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, trưởng phòng quản lý du lịch thuộc sở Văn hoá – thể thao – du lịch tỉnh Lâm Đồng cho rằng do địa phương thiếu những người làm du lịch có trình độ cao (!). Theo bà Ngọc, du lịch Đà Lạt cần phải có nhân lực trình độ thạc sĩ, tiến sĩ du lịch để tạo ra “bước đột phá”… (báo SGGP, ngày 14.6.2008).

Đã có một thời Đà Lạt thu hút đông đảo du khách. Trước hết nhờ khí hậu mát mẻ, không khí trong lành, cảnh quan thiên nhiên đẹp. Kế đến là con người Đà Lạt hiền hoà, thân thiện, không có thói “bắt chẹt”, “đập đổ”, “cứa cổ” du khách… Hầu hết mọi người đều cảm thấy dễ chịu, thoải mái khi mới đến Đà Lạt lần đầu, nên khi ra về, họ luôn có ý định sẽ trở lại lần thứ hai, thứ ba, đồng thời sẽ “tuyên truyền”, “rủ rê” bạn bè, người thân cùng đi cho vui.

Nay thì tâm trạng trên có lẽ đã thuộc về dĩ vãng. Theo tôi, nguyên nhân quan trọng là do sự quản lý yếu kém của chính quyền thành phố Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng trong hơn 30 năm qua (chứ không chỉ của riêng ngành du lịch). Người ta đã phá nát cảnh quan Đà Lạt, làm biến đổi cả khí hậu Đà Lạt. Thắng cảnh của Đà Lạt, sau một phần ba thế kỷ, vẫn chỉ thung lũng Tình Yêu, hồ Than Thở, thác Prenn, Cam Ly... Có điều bây giờ các thắng cảnh trên trông bệ rạc hơn, chẳng còn nên thơ như trước. Tệ hại nhất là tâm lý “ăn xổi”, sẵn sàng ra tay “chặt chém” khách của những người làm du lịch địa phương mỗi khi có cơ hội. Chất lượng phục vụ thì kém (cả ăn, nghỉ, tham quan…) nhưng giá cả “trên trời”.

Theo tôi, để lấy lại “thời vàng son” đã mất, vấn đề không phải là đào tạo thêm nhiều thạc sĩ, tiến sĩ du lịch cho địa phương (suy cho cùng, cũng chỉ là “hữu danh vô thực”!), mà quan trọng nhất là phải có biện pháp bảo vệ, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên của Đà Lạt, đồng thời thay đổi cung cách phục vụ của những người làm du lịch địa phương (cả quốc doanh, tập thể lẫn tư nhân), sao cho “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, không để cho khách “một đi không hẹn ngày trở lại” như bấy lâu nay.

Người ta ví du lịch là ngành “công nghiệp không khói”, là “con gà đẻ trứng vàng”… Phải nuôi làm sao để cho con gà mỗi ngày đẻ một trứng, có tiền lai rai xài hoài, thay vì đè con gà ra mổ bụng để lấy hết vàng một lần, như truyện ngụ ngôn chê bai những người “tham và dốt”. Thiển nghĩ, đây là điều mà những người làm du lịch nói chung, du lịch Đà Lạt nói riêng, cần suy ngẫm. Không làm được như thế thì dù cho có một vạn “tiến sĩ du lịch” cũng chẳng ăn thua!

Phan Trọng Hiền, Bình Thạnh

0 comments:

Post a Comment

RECENT READERS

TOP 10 NGƯỜI GÓP Ý

Creative Commons License
Kiến Thức Du Lịch by Đinh Quang Trung is licensed under a Creative Commons Attribution 3.0 United States License.
Based on a work at www.kienthucdulich.info.

  © Blogger template Newspaper by Ourblogtemplates.com 2008

Back to TOP