NGƯỜI GÒ ĐEN TÌM LẠI RƯỢU GÒ ĐEN

Sunday, October 26, 2008

Trải qua nhiều đời, rượu Gò Đen đã trở thành một chỉ dẫn địa lý để người miền ngoài biết đến một vùng đất của Nam bộ, của Long An.

Bát ngát Gò Đen


Khác hơn Bàu Đá của miền Trung và Làng Vân của miền Bắc, là những làng rượu, thì Gò Đen lại là một vùng rượu. Thị tứ Gò Đen, trung tâm của xã Phước Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, nằm trên quốc lộ 1A, cửa ngõ xuôi về miền Tây, cách TP.HCM chỉ 25 km. Thị tứ này ngày nay là điểm giáp ranh 3 xã Long Hiệp, Phước Lợi và Mỹ Yên thuộc huyện Bến Lức, là quê hương của rượu Gò Đen từ xa xưa. Nếu “tính đúng, tính đủ” thì khu vực sản xuất rượu Gò Đen còn bao gồm một phần của hai xã Phước Lý và Tân Bửu của huyện Cần Giuộc nằm kề cận.

Rượu Gò Đen đã có tự bao giờ? Chính những nhà lò Gò Đen cũng không trả lời chính xác được. Theo một điều tra, 173 hộ sản xuất rượu trong xã Mỹ Yên thì chưa đến 40 hộ mới sản xuất từ 30 năm trở lại đây, còn lại hơn 140 hộ là nghề truyền lại từ đời này qua đời khác. Nhà anh Tám Minh ở ấp 4, xã Phước Lợi, có đến ba đời truyền nghề nấu rượu, nhưng nhà vợ anh, cũng là người trong xóm, thì có đến 4 đời.

Theo các bô lão, Gò Đen là một vùng gò rộng lớn, đất ở đây có màu đen, là loại đất mùn pha sét, dấu tích của rừng già xa xưa. Theo nhà văn Sơn Nam, Gò Đen là một trong những vùng đất được người Việt khai phá sớm nhất, nằm trong khu vực Ba Giồng, là vựa lúa lớn nhất của Nam bộ thời các chúa Nguyễn, từ tây nam TP.HCM kéo dài đến Gò Công ngày nay. Vì là vùng đất gò cao nên đặc biệt thích hợp với cây lúa nếp, thứ nguyên liệu chính làm nên danh rượu Gò Đen.


Vong thân trên chính quê nhà


Nếu đi dọc quốc lộ 1A ngày nay ta sẽ thấy nhan nhản thứ rượu mang tên Gò Đen bày bán trên dọc dài hơn 50km, bắt đầu từ Bình Chánh, TP.HCM xuống khỏi Tân An, giáp đến huyện Châu Thành của tỉnh Tiền Giang. Không chỉ thế, người ta còn thấy không biết bao nhiêu thứ rượu Gò Đen đóng chai, nhãn mác đẹp đẽ, tinh xảo bày bán tràn ngập trên địa bàn TP.HCM, vào tận các siêu thị danh tiếng. Thống kê từ ba xã trong vùng rượu Gò Đen của huyện Bến Lức cho thấy, trong số 412 hộ nấu rượu, thì duy nhất chỉ có một hộ là có bán sản phẩm đóng chai nhựa, nhãn hiệu Gò Đen được in trắng đen đơn giản bằng máy vi tính; không có cơ sở nào có quy mô như công ty hay xí nghiệp sản xuất mặt hàng này; chỉ có 4 hộ là cơ sở sản xuất thường xuyên, còn lại 408 hộ chỉ sản xuất vào những lúc nông nhàn, hình thức bán lẻ (bao bì khách hàng tự mang đến) cho người tiêu thụ trong vùng. Chính những người nấu rượu Gò Đen cũng không biết thứ rượu pha cồn mang tên Gò Đen bày đầy theo đường quốc lộ ấy là từ đâu ra.

Giành lấy thương hiệu cho làng nghề

Còn đây là chuyện của làng rượu Phú Lễ, Bến Tre. Cách nay vài năm, các nhà lò Phú Lễ phấn chấn hẳn khi thấy công ty Trúc Giang về tận đầu làng xây nhà xưởng, rồi đi khảo sát trong dân với ý định hợp tác lâu dài với các lò rượu truyền thống để làm ra những chai rượu Phú Lễ chính hiệu, có hình thức được thị trường chấp nhận. Thế nhưng sau cuộc khảo sát ấy thì chẳng có một lò rượu nào trong làng được ký một hợp đồng chính thức. Cách giải thích ỡm ờ của công ty Trúc Giang là vì chưa có lò nào đạt được tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiêu chuẩn ấy ra sao cũng không ai biết. Nhưng điều mà sau đó ai cũng thấy là các ống khói nhô lên khỏi nóc các nhà xưởng. Thì ra người của công ty Trúc Giang tự chế ra rượu, theo cách thức nào cũng không ai biết, rồi đóng chai, dán nhãn công khai với tên Phú Lễ và bán ra thị trường. Cả các nhà hàng của Công ty du lịch Bến Tre hiện nay cũng bán cho du khách loại rượu Phú Lễ này. Dân làng nghề đành bó tay, không biết kiện cáo ở đâu, vì thực ra thương hiệu rượu Phú Lễ cũng chưa phải thuộc quyền sở hữu của họ về mặt pháp lý.

Tình hình của Gò Đen thì đang khả quan hơn. Từ đầu năm 2006, tỉnh Long An đang quyết tâm vào cuộc để bảo vệ lấy một nghề truyền thống, một sản phẩm mà theo đánh giá của chính quyền địa phương thì đây là một tài sản quốc gia. Lộ trình này bao gồm: lập một hiệp hội của những người sản xuất; bảo hộ và trao độc quyền thương hiệu rượu Gò Đen cho hiệp hội; chuẩn hoá quy trình sản xuất và kiểm định chất lượng thành phẩm của tất cả thành viên hiệp hội trước khi được "chia phần" nhãn hiệu; công nghiệp hoá khâu đóng gói bao bì và tìm một lối ra thị trường chung cho mọi thành viên. Và, dĩ nhiên là sẽ kiểm soát chặt hàng gian, hàng giả bằng luật pháp. Hiện Sở Khoa học và công nghệ tỉnh đã chi hơn 1 tỉ đồng để Trung tâm Khuyến nông tỉnh kết hợp với huyện Bến Lức thực hiện điều tra tổng thể đến từng hộ. Một ban chấp hành hiệp hội lâm thời cũng vừa được ra mắt, có hơn một nửa thành viên là những nhà lò uy tín, kinh nghiệm. 100% số hộ được điều tra tán thành phương án này và có nguyện vọng để sản phẩm của nhà mình được mang thương hiệu Gò Đen.


Mọi việc vẫn còn phía trước. Đội quân “Gò Đen quốc lộ” ắt không dễ dàng thua cuộc. Nhưng đây vẫn là tín hiệu vui không chỉ cho Gò Đen mà cho cả Làng Vân, Bàu Đá, Làng Chuồng, Phú Lễ… có thể tham khảo để tìm hướng đi cho mình.

Nguồn tin: SGTT

0 comments:

Post a Comment

RECENT READERS

TOP 10 NGƯỜI GÓP Ý

Creative Commons License
Kiến Thức Du Lịch by Đinh Quang Trung is licensed under a Creative Commons Attribution 3.0 United States License.
Based on a work at www.kienthucdulich.info.

  © Blogger template Newspaper by Ourblogtemplates.com 2008

Back to TOP